Luật sư tư vấn:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Phúc Gia, về vấn đề mà bạn đang quan tâm Luật Phúc Gia gửi đến bạn tư vấn như sau:
“Của hồi môn” là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng đang là vấn đề được rất nhiều người quan tâm đến. Và nhất là khi hai bên không thể chung sống với nhau dẫn đến ly hôn thì tranh chấp về “Của hồi môn” bắt đầu xảy ra. Vậy pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?
Chúng ta cần hiểu CỦA HỒI MÔN là món quà ba mẹ tặng cho con gái khi đi lấy chồng thường là trang sức, vàng bạc, đất đai hay những tài sản có giá trị khác. Món quà này có thể chỉ chuẩn bị cho con gái hoặc bố mẹ tặng cho hai vợ chồng. Tặng cho ai là phụ thuộc vào ý chí của bố mẹ. Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tài sản chung của vợ, chồng được xác định như sau:
“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng:
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”
Tài sản riêng của vợ chồng được xác định theo Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
“Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”
Như vậy theo như quy định tại hai điều luật thì không xác định rõ ràng Của hồi môn là tài sản chung hay riêng. Nhưng có thể sử dụng những cách thức sau để phân định:
Thứ nhất, Ý chí của người trao tài sản là cho chung cho vợ chồng hay là cho riêng cho con gái
Thứ hai, thoả thuận của vợ chồng sau khi nhận tài sản là gộp vào tài sản chung hay vẫn để là tài sản riêng của vợ.
Trong trường hợp của bạn thì về miếng đất đã được cha mẹ bạn xác định ý chi là cho riêng con gái bằng việc chuyển quyền sử dụng đất chỉ đứng tên con gái. Và bạn cũng chưa đưa tên của chồng bạn vào trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đó là tài sản riêng của bạn.
Về số vàng, nếu như bạn và chồng không có thoả thuận gì khác là cho vào tài sản chung hay tài sản riêng. Đồng thời, khi trao quà, bố mẹ thường không nói rõ là tặng riêng cô dâu hay tặng cho cả hai vợ chồng. Bởi vậy, trường hợp này không có căn cứ rõ ràng chứng minh là tặng riêng người vợ. Theo khoản 3 Điều 33 Luật HNGĐ, trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Nhìn chung “của hồi môn” sẽ là tài sản riêng nếu người vợ có căn cứ chứng minh tài sản đó là bố mẹ tặng cho riêng. Nếu không chứng minh được thì tài sản này sẽ là tài sản chung vợ chồng.
Vậy khi Ly hôn “của hồi môn” có phải chia hay không?
Của hồi môn được tặng đa phần có giá trị lớn nên khi ly hôn, việc phân chia tài sản này thường xảy ra tranh chấp.
Tại Điều 59 Luật HNGĐ, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của hai bên khi giải quyết tài sản trong đó có việc phân chia tài sản chung vợ chồng. Bên cạnh đó, tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung.
Trong trường hợp nếu không thể thống nhất về phân chia tài sản, tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố như: hoàn cảnh của gia đình vợ, chồng; công sức đóng góp; lỗi trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng…
Từ những phân tích trên, có thể thấy, nếu người vợ chứng minh được của hồi môn là bố mẹ tặng riêng mình, thì đây là tài sản riêng nên khi ly hôn sẽ thuộc sở hữu riêng của người vợ. Trong trường hợp không chứng minh được điều này, của hồi môn được coi là tài sản chung vợ chồng. Khi ly hôn sẽ giải quyết theo quy định pháp luật về tài sản chung.
Trên đây là tư vấn của Luật Phúc Gia về vấn đề bạn quan tâm, mọi vướng mắc pháp lý vui lòng liên hệ Luật Phúc Gia, hotline: 0985.181.183
Trân trọng!