Cá nhân là chủ thể đầu tiên của các quan hệ xã hội, là “tổng hoà các mối quan hệ xã hội”. Để tham gia vào quan hệ xã hội nói chung và quan hệ dân sự nói riêng, cá nhân phải có tư cách chủ thể để tham gia vào các quan hệ dân sự. Đây là năng lực chủ thể được tạo thành bởi năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Điều 16 BLDS 2015 quy định:
“Điều 16. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.
2. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.
3. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.”
Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng, là tiền đề, điều kiện cần thiết để công dân có quyền, cổ nghĩa vụ; là thành phần không thể thiếu được của cá nhân với tư cách chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, là một mặt của năng lực chủ thể.
2. Đặc điểm
- Năng lực pháp luật dân sự ghi nhận trong các văn bản pháp luật
Mặc dù được ghi nhận như là một bộ phận không thể thiếu được của cá nhân, như là một thực thể trong các quan hệ xã hội, NLPLDS của cá nhân không phải do tạo hóa ban cho như những nhà chính trị, triết học tư sản thường suy diễn và kết luận, mà do nhà nước ghi nhận và quy định cho công dân của nhà nước đó. Bởi vậy, NLPLDS của công dân mang bản chất giai cấp. Đã có thời kì một nhóm người sinh ra không phải là chủ thể của các quan hệ xã hội mà là khách thể của các quan hệ đó, là công cụ biết nói (một bộ phận trong xã hội chiếm hữu nô lệ – nô lệ).
Vì vậy, ở những hình thái kinh tế – xã hội khác nhau, NLPLDS cũng được quy định khác nhau. Trong cùng một hình thái kinh tế – xã hội nhưng ở những nước khác nhau thì năng lực pháp luật dân sự của công dân cũng khác nhau, thậm chí khái niệm về quyền dân sự cũng khác nhau
Ví dụ: năng lực pháp luật dân sự của công dân Cộng hòa Pháp khác với năng lực pháp luật dân sự của công dân vương quốc Anh…
Ví dụ: Trước năm 1980, cá nhân có quyền sở hữu đất đai; từ năm 1980 đến 1992, cá nhân không có quyền sở hữu đối với đất đai; từ năm 1992, cá nhân có quyền chuyển dịch quyền sử dụng đất và các quyền năng đó được mở rộng sau khi có Luật đất đai năm 2003 và BLDS năm 2005.
- Mọi cá nhân đều bình đẳng về năng lực pháp luật dân sự
NLPLDS của cá nhân không đồng nghĩa với quyền dân sự chủ quan của cá nhân mà chỉ là tiền đề để cho công dân có các quyền dân sự cụ thể. Tuy nhiên, chủ thể không có khả năng hưởng quyền thì cũng không thể có quyền dân sự cụ thể được.
Có ý kiến cho rằng NLPLDS của công dân không thể bình đẳng với lí do năng lực pháp luật bao gồm cả quyền và nghĩa vụ. Cho nên, công dân chỉ bình đẳng về khả năng hưởng quyền mà không bình đẳng về việc gánh chịu nghĩa vụ (như người không có năng lực hành vi không phải bồi thường thiệt hại…).
Nhìn về hình thức có thể thấy được cơ sở của ý kiến trên nhưng như trên đã trình bày, năng lực pháp luật dân sự chỉ là khả năng hưởng quyền và nghĩa vụ. Những người không có năng lực hành vi dân sự không phải thực hiện nghĩa vụ nhưng nghĩa vụ về mặt pháp lí vẫn là của họ và người khác phải thực hiện các nghĩa vụ thay họ (cha, mẹ, người giám hộ). Mặt khác, theo lí luận của quan điểm này và với logic thông thường thì ngay cả các quyền cũng không bình đẳng.
Ví dụ: Người không có năng lực hành vi không có cả quyền tạo lập nghĩa vụ thông qua hợp đồng, không có quyền làm đại diện…
- Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân do Nhà nước quy định cho tất cả cá nhân Tuy nhiên Nhà nước không cho phép công dân tự hạn chế năng lực pháp luật của chính họ và của cá nhân khác.
+ Văn bản pháp luật chung quy định một loại người nào đó không được phép thực hiện các giao dịch dân sự cụ thể.
Ví dụ: Người nước ngoài không có quyền sở hữu về nhà ở nên không được phép mua bán nhà ở tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại Điều 125 Luật nhà ở 2014
+ Quyết định đơn hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy vậy, về bản chất, đây không phải là tước bỏ năng lực pháp luật dân sự mà chỉ là tạm đình chỉ khả năng này – khả năng biến quyền khách quan thành quyền chủ quan của chủ thể riêng biệt. Việc hạn chế này chỉ đối với một số quyền cụ thể mà không phải là năng lực pháp luật dân sự nói chung. Việc hạn chế NLPLDS không đồng nghĩa với việc tước bỏ một quyền dân sự cụ thể (kê biên tài sản, tịch thu tài sản…).
- Tính bảo đảm của năng lực pháp luật dân sự
Nhà nước ta đang thực hiện đường lối xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, định hướng xã hội chủ nghĩa tạo những điều kiện thuận lợi để phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế nhằm đáp ứng ngày càng cao những nhu cầu của nhân dân. Đây là những cơ sở chính trị, kinh tế, pháp lí quan trọng nhằm phát huy hiệu quả của nền kinh tế thị trường đồng thời hạn chế những mặt trái của nó.Nhà nước tạo mọi điều kiện để bảo đảm năng lực pháp luật dân sự của công dân được thực hiện, biến những “khả năng” đó trở thành thực tế. Tạo ra hành lang pháp lí thông thoáng, mềm dẻo là tạo điều kiện cho khả năng biến năng lực pháp luật của cá nhân thành các quyền năng dân sự cụ thể.
3. Nội dung
Điều 17 BLDS quy định nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân một cách vắn tắt, những quyền dân sự cụ thể của cá nhân được ghi nhận trong tất cả các phần của BLDS. Có thể chia quyền dân sự của cá nhân thành ba nhóm chính:
- Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản
- Quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản
Công dân có quyền hưởng di sản thừa kế, để lại di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật.
- Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó
4. Bắt đầu và chấm dứt năng lực pháp luật dân sự
Một trường hợp ngoại lệ được pháp luật quy định là: “Người sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản thừa kế chết” vẫn được hưởng di sản thừa kế của người chết để lại. Như vậy, thai nhi đã được bảo lưu quyền thừa kế nếu còn sống sau khi sinh ra.
Hiểu rõ về năng lực pháp luật dân sự sẽ giúp cho cá nhân đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhất là trong các quan hệ pháp luật về thừa kế.
Mọi vướng mắc pháp lý liên quan vui lòng liên hệ Luật Phúc Gia, hotline: 0985.181.183
Trân trọng!