Những nguồn chính của thu NSNN gồm:
- Thuế, phí, lệ phí có tính chất thuế (như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, phí bảo trì đường bộ, lệ phí công chứng…)
- Hoạt động sự nghiệp có thu của các đơn vị sự nghiệp công ví dụ như trường học công, bệnh viện công, viện nghiên cứu, trung tâm thể thao… Hiện nay, thu của các đơn vị này đang chuyển dần sang cơ chế giá dịch vụ.
- Vay, viện trợ không hoàn lại (như phát hành công trái, trái phiếu chính phủ, các khoản vay ODA hoặc vay ưu đãi của chính phủ…)
- Nguồn thu khác: Lợi tức góp vốn từ tổ chức kinh tế, thu hồi vốn từ tổ chức kinh tế, bán và cho thuê tài sản nhà nước, đóng góp tự nguyện.
1. Thuế tiêu thụ đặc biệt(Thuế TTĐB)
Thuế TTĐB là loại thuế đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, cần điều tiết mạnh nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
- Thuế TTĐB là một loại thuế gián thu
- Vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt
Thứ hai, thuế TTĐB là một trong những công cụ kinh tế để Nhà nước điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư có thu nhập cao, hướng dẫn tiêu dùng hợp lí. Thông qua việc thu thuế TTĐB, Nhà nước, một mặt, có thể định hướng tiêu dùng xã hội, góp phần tích cực vào việc hình thành xu hướng tiêu dùng xã hội lành mạnh, xu hướng tiêu dùng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh kinh tế của đất nước. Mặt khác, nhà nước còn có thể huy động một bộ phận thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và có khả năng tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, không được khuyến khích tiêu dùng vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho những mục tiêu công cộng, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.
Thứ ba, thuế TTĐB là công cụ quan trọng được sử dụng nhằm ổn định và tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Do có thuế suất cao, số tiền thu được từ thuế TTĐB chiếm tỉ trọng đáng kể trong tổng thu ngân sách nhà nước.
2. Sự thay đổi của danh mục hàng hoá chịu thuế TTĐB
Ở nước ta, tiền thân của thuế TTĐB hiện hành là thuế hàng hóa được ban hành năm 1951. Đến năm 1990 Bộ tài chính soạn thảo dự án luật thuế mới, đổi thuật ngữ thuế hàng hóa thành thuế TTĐB và Quốc hội thông qua ngày 30/6/1990. Đạo luật đầu tiên về thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào 6 mặt hàng sản xuất trong nước là: thuốc lá, rượu bia, pháo, bài lá và vàng mã. Thời kì này, các loại hình dịch vụ chưa bị đánh thuế TTĐB. Sau đó diện đánh thuế được thu hẹp xuống còn 4 loại hàng hóa chịu thuế là thuốc lá điếu, rượu, bia và pháo trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB năm 1993.
Nhằm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt tiếp tục được Quốc hội sửa đổi bổ sung vào năm 1995. Lần sửa đổi, bổ sung này đánh dấu một nước phát triển trong quá trình hoàn thiện pháp luật thuế TTĐB, thể hiện ở chỗ đạo luật này đã mở rộng diện các mặt hàng chịu thuế TTĐB và đánh vào không chỉ những hàng hóa sản xuất trong nước mà còn đánh cả vào hàng hóa nhập khẩu. Cụ thể, theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB năm 1995, các mặt hàng chịu thuế gồm: thuốc lá điếu, bia, xăng, rượu, pháo và ô tô nhập khẩu từ 24 chỗ ngồi trở xuống. Xăng và ô tô nhập khẩu từ 24 chỗ ngồi trở xuống là những mặt hàng mới được đưa vào danh mục mặt hàng chịu thuế TTĐB. Việc đánh thuế TTĐB vào ô tô nhập khẩu nói trên phần nào phản ánh chính sách bảo hộ ngành sản xuất ô tô trong nước của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn này.
Đến năm 1998, Quốc hội đã thông qua Luật thuế TTĐB mới thay thế cho Luật thuế TTĐB năm 1990 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB, đó là Luật thuế TTĐB năm 1998. Luật thuế TTĐB năm 1998 được xây dựng trên cơ sở xem xét các yếu tố khách quan có khả năng ảnh hưởng tới nền sản xuất trong nước và tổng thu ngân sách nhà nước . Hai yếu tố có tác động lớn tới những thay đổi chủ yếu của Luật thuế TTĐB năm 1998 là việc đưa Luật thuế GTGT vào áp dụng trong thực tiễn và sự kiện Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.
So với Luật thuế TTĐB cũ, Luật thuế TTĐB năm 1998 đã bỏ mặt hàng pháo nhưng đưa thêm ba nhóm hàng hóa khác vào danh mục mặt hàng chịu thuế đó là điều hòa nhiệt độ có công suất từ 90.000 BTU trở xuống; bài lá; vàng mã và hàng mã. Ngoài ra còn đưa các loại dịch vụ không thiết yếu vào danh mục đối tượng chịu thuế TTĐB.
Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XI, ngày 17 tháng 6 năm 2003, Luật thuế TTĐB năm 1998 đã được sửa đổi, bổ sung. Một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB năm 2003 là sửa đổi về đối tượng chịu thuế, vẫn theo hướng mở rộng diện chịu thuế TTĐB như đưa thêm dịch vụ kinh doanh xổ số, kinh doanh giải trí có đặt cược vào danh mục dịch vụ chịu thuế.
Nhằm đảm bảo cho các quy định trong pháp luật thuế TTĐB thống nhất với các cam kết của Việt Nam khi ra nhập WTO, đặc biệt tránh phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XI, ngày 29/11/2005, Luật thuế TTĐB năm 1998 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB năm 2003 lại tiếp tục được sửa đổi. Theo đó, lần sửa đổi này Luật thuế TTĐB đã sửa đổi giá tính thuế và thuế suất đối với một số mặt hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB.
Như vậy, Luật thuế TTĐB năm 1998 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB năm 2003, 2005 đã đạt được những mục tiêu đề ra trong giai đoạn đầu, khi mới được ban hành. Tuy nhiên, trước sự phát triển của kinh tế xã hội của đất nước; trước yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, kiềm chế lam phát, tránh gây đột biến trong sản xuất, tiêu dùng, đảm bảo nguồn thu NSNN và nhằm thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam khi gia nhập WTO cũng như đảmbảo tính phù hợp với thông lệ quốc tế, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật thuế TTĐB mới ngày 14/11/2008. Luật này thay thế toàn bộ Luật thuế TTĐB năm 1998 và các luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB năm 2003 và 2005. Luật mới tiếp tục mở rộng diện các hàng hóa và dịch vụ chịu thuế TTĐB đồng thời quy định Biểu suất thuế TTĐB theo hướng hạ thấp mức thuế suất hơn so với mức thuế suất trong luật cũ.
Cụ thể, Luật thuế TTĐB năm 2008 bổ sung thêm ba mặt hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB đó là: chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3 và tàu bay, du thuyền.
Trải qua một quá trình áo dụng, Luật thuế TTĐB năm 2008 tiếp tục bộc lộ nhiều điểm hạn chế, bấp cập về đối tượng chịu thuế và không chịu thuế, mức thuế suất chưa thỏa đáng, hình thức văn bản chưa tạo thuận lợi cho quá trình áp dụng luật. Chính vì thế tháng 12 năm 2011, Chính phủ cho sửa đổi một số quy định trong Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật (Nghị định số 110/2011/NĐ-CP ngày 08/12/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2009/NĐ-CP ngày 16/3/2009). Các nội dung sửa đổi theo hướng quy định rõ ràng, minh bạch về đối tượng không chịu thuế, trị giá tính thuế, khấu trừ thuế nhằm tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế, đồng thời ngăn ngừa các trường hợp lợi dụng, trục lợi để trốn thuế, góp phần tạo môi trường bình đẳng, lành mạnh.
Trước bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt Việt Nam đã kí kết tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, ngày 26/11/2014, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Luật thuế TTĐB sửa đổi năm 2014. Trước đó, xăng các loại, nap-ta (naptha) chế phẩm tái hợp (reformade compenent) và các chế phẩm khác để pha chế xăng thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Mục đích thu thuế TTĐB là thu thuế đối với xăng nhiên liệu dùng để chạy động cơ, không thu thuế đối với nguyên liệu là đầu vào của sản xuất.
Tuy nhiên, quy định này đã gặp phải nhiều vướng mắc do có trường hợp doanh nghiệp mua con-đen-sát thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB sản xuất ra xăng hoặc thuê doanh nghiệp khác gia công từ con-đen-sát thành nap-ta sau đó mới sản xuất ra xăng. Xăng thuộc mặt hàng chịu thuế TTĐB, khi tính số thuế TTĐB phải nộp đối với xăng thì phải trừ số thuế TTĐB phải nộp đối với nap-ta, con-đen-sát và chế phẩm tái hợp (nguyên liệu đầu vào sản xuất xăng). Như vậy, việc thu thuế TTĐB đối với nap-ta, con-đen-sát và chế phẩm tái hợp không làm tăng số thu về thuế TTĐB nhưng doanh nghiệp vừa phải ứng vốn để nộp thuế và làm thủ tục để được kê khai, khấu trừ thuế TTĐB, trong khi đó cơ quan thuế phải quản lý khấu trừ đối với nguyên liệu chịu thuế TTĐB dùng để sản xuất ra xăng, làm tăng khối lượng công việc và chi phí quản lý.
Vì vậy, Luật thuế TTĐB số 70/2014/QH13 đã quy định không thu thuế TTĐB đối với nap-ta, con-đen-sát, chế phẩm tái hợp và các chế phẩm khác để pha chế xăng, chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng vừa để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp vừa giảm các thủ tục hành chính trong việc kê khai, khấu trừ. Do đó, việc sửa đổi quy định này là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.
Tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế TTĐB trong Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế TTĐB và Luật quản lý thuế sửa đổi năm 2016 (có hiệu lực từ 1/7/2016). Những sửa đổi, bổ sung của Luật thuế TTĐB được đánh giá là đảm bảo số thu cho NSNN một cách hợp lý trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa nhà nước với người sản xuất, kinh doanh và với người tiêu dùng. Những sửa đổi, bổ sung này nhằm phát huy tốt hơn vai trò hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng, đảm bảo đánh thuế cao vào những mặt hàng cao cấp hoặc quá trình sản xuất và tiêu dùng có nhiều ngoại ứng tiêu cực cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân và điều chỉnh có lộ trình để đảm bảo sự thích ứng của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB cũng góp phần tăng tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nước có điều kiện tương đồng với nước ta, phù hợp với xu thuế cải cách thuế và thông lệ quốc tế.
Hiện nay, đối tượng chịu thuế TTĐB được quy định cụ thể tại khoản a Điều 2 Luật thuế TTĐB năm 2016. Cụ thể, đối tượng chịu thuế TTĐB bao gồm các loại hàng hóa:
“a) Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm;
b) Rượu;
c) Bia;
d) Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng;
đ) Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3;
e) Tàu bay, du thuyền;
g) Xăng các loại;
h) Điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống;
i) Bài lá;
k) Vàng mã, hàng mã”.
Và 6 loại dịch vụ.