Yêu cầu phản tố chỉ phát sinh khi nguyên đơn khởi kiện bị đơn và Tòa án thụ lý vụ việc, sau đó bị đơn cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm nên có đơn yêu cầu tòa án giải quyết những vấn đề có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn trong cùng một vụ án dân sự. Căn cứ theo quy định tại (khoản 4 Điều 72 Bộ luật tố tụng dân sự 2015), bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền và nghĩa vụ tương tự như nguyên đơn.
“Điều 72. Quyền, nghĩa vụ của bị đơn
……
4. Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn…”
Các trường hợp phản tố:
Căn cứ theo quy định tại (khoản 2 Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự 2015) và (Điều 12 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP) bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, Yêu cầu phản tố của bị đơn không cùng với yêu cầu mà nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thứ hai, Chỉ coi là ý kiến của bị đơn mà không phải là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn nếu bị đơn có yêu cầu cùng với yêu cầu của nguyên đơn (như yêu cầu Tòa án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn hoặc chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn)
Thứ ba, Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn là trường hợp bị đơn có nghĩa vụ đối với nguyên đơn và nguyên đơn cũng có nghĩa vụ đối với bị đơn, do đó bị đơn có yêu cầu Tòa án giải quyết để bù trừ nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn.
Thứ tư, Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn là trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố lại đối với nguyên đơn và nếu yêu cầu đó được chấp nhận thì loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn vì không có căn cứ
Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
Thời điểm nộp đơn yêu cầu phản tố
Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn thì bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn được quy định tại (khoản 1 Điều 200 BLTTDS 2015).
Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nhằm giúp cho việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn của Tòa án được chủ động, rút ngắn thời gian giải quyết vụ án.
Như vậy người bị kiện có quyền kiện lại người đã kiện mình để đảm bảo nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong việc quyết định quyền và lợi ích của mình tại Toà án.
Trên đây là phân tích pháp lý của Luật Phúc Gia về quyền kiện ngược lại người đã kiện mình, mọi vướng mắc pháp lý liên quan vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH PHÚC GIA
Hotline: 0985.181.183
Gmail: luatphucgia@gmail.com
Địa chỉ: Số 55 Phố Đỗ Quang, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội
Trân trọng!